Nhà nước luôn có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng nguồn chất thải có thể tái sử dụng để phuc vụ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh nhiều doanh nghiệp thực hiện đúng quy trình quản lý, vận chuyển chất thải tái sử dụng vẫn còn rất nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng làm ảnh hưởng lớn đến môi trường. Vậy, quy trình quản lý, vận chuyển chất thải tái sử dụng được thực hiện như thế nào?
Ảnh minh họa.
Khung pháp lý về việc tái sử dụng chất thải hiện đã được quy định chi tiết tại Luật Bảo vệ môi trường 2014 (“Luật BVMT 2014”); Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu (“Nghị định 38/2015”); Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2015 (“Nghị định 40/2019”); Thông tư 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại (“Thông tư 36/2015”) và các văn bản hướng dẫn thi hành khác. Trong đó:
Theo khoản 12 Điều 3 Luật BVMT 2014: “Chất thải là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác”. Theo khoản 12 Điều 3 Nghị định 38/2015: “Tái sử dụng chất thải là việc sử dụng lại chất thải một cách trực tiếp hoặc sau khi sơ chế mà không làm thay đổi tính chất của chất thải”. Theo khoản 1 Điều 85 Luật BVMT 2014, đối với chất thải phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và tiêu hủy.
Đối với chất thải có khả năng tái sử dụng, Nhà nước khuyến khích các Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện các hoạt động thu gom, tái sử dụng chất thải (khoản 3 Điều 6 Luật BVMT 2014); Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng (Khoản 2 Điều 4 Nghị định 38/2015). Tuy nhiên, việc tái sử dụng chất thải phải được tuân thủ một cách nghiêm ngặt các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Quy trình quản lý, vận chuyển chất thải tái sử dụng
Theo Luật BVMT 2014, tùy theo tính chất và đặc tính, chất thải có thể được phân loại gồm chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp,.. Tương ứng với từng loại chất thải, mà quy định về quản lý, vận chuyển chất thải tái sử dụng sẽ khác nhau. Cụ thể:
Một là, đối với chất thải nguy hại (CTNH)
CTNH là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác (Khoản 13 Điều 3 Luật BVMT 2014). Theo Điều 90 Luật BVMT 2014 và khoản 3 Điều 6, khoản 4 Điều 7 Nghị định 38/2015, Chủ nguồn CTNH phải lập hồ sơ về CTNH và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp tỉnh để được cấp Giấy phép. Trong hồ sơ đăng ký, Chủ nguồn CTNH phải xây dựng phương án tự tái sử dụng hoặc sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ CTNH đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải; Trường hợp không tự tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý, thu hồi năng lượng từ CTNH tại cơ sở, Chủ nguồn thải CTNH phải ký hợp đồng để chuyển giao CTNH với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp.
Lưu ý, theo khoản 9 Điều 7 Thông tư 36/2015, trường hợp Chủ nguồn CTNH tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ CTNH thì phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định tại Mục 4 Phụ lục 2 (A) ban hành kèm theo Thông tư 36/2015. Cụ thể như sau:
(i) Việc tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ CTNH chỉ được thực hiện bằng công nghệ, thiết bị sản xuất sẵn có hoặc công trình bảo vệ môi trường trong khuôn viên cơ sở phát sinh CTNH; phải bảo đảm đạt Quy chuẩn kỹ thuật môi trường hiện hành và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý tương tự quy định tại Mục 5, Mục 6 Phụ lục 2 (B) ban hành kèm theo Thông tư 36/2015; không được đầu tư mới lò đốt, bãi chôn lấp CTNH để tự xử lý CTNH.
(ii) Việc tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ CTNH bằng các công nghệ, thiết bị sản xuất hoặc công trình bảo vệ môi trường trong khuôn viên cơ sở phát sinh CTNH phải phù hợp với báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐTM) hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường (hoặc hồ sơ, giấy tờ tương đương). Trường hợp chưa nằm trong báo cáo TĐTM, Kế hoạch bảo vệ môi trường (hoặc hồ sơ, giấy tờ tương đương) thì phải trình phương án và được sự chấp thuận của các cơ quan sau: Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với cơ sở thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo TĐTM (hoặc hồ sơ, giấy tờ tương đương) của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Các cơ quan đã phê duyệt báo cáo TĐTM, Kế hoạch bảo vệ môi trường (hoặc hồ sơ, giấy tờ tương đương) đối với các trường hợp không thuộc đối tượng quy định tại Điểm 4.3.1, Mục 4, Phụ lục 2 (A) ban hành kèm theo Thông tư 36/2015.
Việc kiểm tra, xác nhận công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo TĐTM (hoặc hồ sơ, giấy tờ tương đương) đối với cơ sở tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ CTNH được thực hiện như sau: Trường hợp việc kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường (hoặc được ủy quyền) thì được tích hợp với thủ tục cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH; Trường hợp việc kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ, cơ quan ngang Bộ khác thì phải được kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường trước khi cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH.
Phải đăng ký trong Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH trước khi thực hiện việc tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ CTNH, bao gồm cả các đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 12 Thông tư này.
Các cơ sở xử lý CTNH thực hiện theo yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý đối với chủ xử lý CTNH quy định tại Phụ lục 2 (B) ban hành kèm theo Thông tư 36/2015. Việc thu gom, vận chuyển, quản lý CTNH được quy định chi tiết tại Phụ lục 2 (Thông tư 36/2015). Theo Điều 92 Luật BVMT 2014, việc vận chuyển CTNH phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng phù hợp và được ghi trong giấy phép xử lý CTNH.
Hai là, đối với chất thải rắn công nghiệp (CTRCN) thông thường
Theo Điều 29 Nghị định 38/2015 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 40/2019), CTRCN thông thường phải được phân định, phân loại riêng với CTNH, trường hợp không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định về CTNH.
CTRCN thông thường được phân loại thành 03 nhóm sau:(i) Nhóm CTRCN thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất; (ii) Nhóm chất thải rắn sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng; (iii) Nhóm CTRCN phải xử lý bằng các phương pháp đốt, chôn lấp, hoàn nguyên các khu vực đã kết thúc khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản và phương pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.
Chủ nguồn thải CTRCN thông thường có thể: giao CTRCN thông thường cho cơ sở xử lý CTRCN; hoặc tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ CTRCN thông thường theo quy định tại Điều 30 Nghị định 38/2015 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 3 Nghị định 40/2019). Tuy nhiên, trường hợp tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ CTRCN thông thường phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo các yêu cầu sau:
(i) Phù hợp với chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận đầu tư, văn bản đăng ký đầu tư và các giấy tờ khác tương đương theo quy định của pháp luật;
(ii) Thực hiện bằng công nghệ, công trình bảo vệ môi trường, thiết bị sản xuất sẵn có trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường và phải bảo đảm đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định. Đối với lò đốt chất thải, bãi chôn lấp chất thải rắn công nghiệp thông thường đầu tư trong khuôn viên cơ sở để tự xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường phải phù hợp với nội dung quản lý chất thải rắn trong các quy hoạch liên quan
(iii) Phải phù hợp với quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận hoặc hồ sơ, giấy tờ tương đương;
(iv) Việc thu gom, vận chuyển, trung chuyển CTRCH thông thường phải bảo đảm không được làm rơi vãi, gây phát tán bụi, mùi hoặc nước rò rỉ và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định (khoản 1 Điều 31 Nghị định 38/2015).
Ba là, đối với chất thải rắn sinh hoạt
theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 38/2015, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành các nhóm như sau: (i) Nhóm hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); (ii) Nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh); (iii) Nhóm còn lại. Chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển, xử lý bởi chủ đầu tư, chủ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật.